Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Người bị tiểu đường với sai lầm khi chọn thực phẩm

Khi biết mắc bệnh tiểu đường, nhiều người sợ quá không dám ăn cơm, thậm chí cả hoa quả chín, trong khi lại ăn quá nhiều thịt. Điều này dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, thậm chí diễn biến sang suy thận, gút.



Thông tin được phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ tại buổi công bố kết quả nghiên cứu về sản phẩm dành cho người bệnh tiểu đường diễn ra tại Hà Nội ngày 6/9.
Theo phó giáo sư Lâm, bệnh đang tăng một cách báo động. Việt Nam là nước có tốc độ mắc nhanh trên thế giới. Chỉ trong 10 năm (2002-2012), tỷ lệ mắc đã tăng gấp 2 lần. Ước tính 20% người trưởng thành phải áp dụng chế độ ăn dự phòng bệnh và điều trị thực thụ. Mục đích là duy trì mức đường huyết trong máu ở giới hạn bình thường hoặc cố gắng ở ngưỡng an toàn để ngăn ngừa và giảm các nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, các thành phần lipid trong máu phải ở giới hạn để tránh nguy cơ mắc thêm các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch…

Một chế độ ăn hợp lý gồm 4 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, chất béo, rau xanh và quả chín, vẫn cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu. Thực tế có bác sĩ khi thấy bệnh nhân tiểu đường thì chỉ khuyên ăn thịt, bỏ cơm. Hậu quả là bệnh nhân cứ nhìn thấy thịt lại sợ, trong khi ăn quá nhiều chất đạm có thể dẫn đến suy thận hay gút. Điều quan trọng là bệnh nhân nên ăn uống giữ ổn định chất tinh bột trong các bữa ăn, không nên ăn quá nhiều.

Bên cạnh đó, theo phó giáo sư Lâm, các loại thức ăn dù có lượng gluxit bằng nhau nhưng sau khi ăn sẽ làm tăng glucose máu ở các mức khác nhau. Khả năng làm tăng glucose máu sau ăn được gọi là chỉ số đường huyết của thức ăn đó. Vì thế, người bệnh nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc rất thấp.
Chẳng hạn, chỉ số đường huyết bánh mì trắng là 100 nhưng bánh mì thêm đường isomal thì chỉ số có thể xuống 31. Hay chỉ số đường huyết của gạo trắng là 83, trong khi khoai sọ là 58, khoai lang chế biến vừa chín tới là 54 (nếu hầm nhừ quá thì chỉ số đường huyết tăng), củ từ là 51, sắn 50. Như vậy chúng ta có thể bớt cơm để ăn khoai.

Với các loại rau, chỉ số đường huyết của cà rốt là 49, rau muống là 10, hạt lạc, đậu tương là 18, 19. Như thế, ăn canh đậu tương rất tốt. Bệnh nhân cũng có thể chọn các loại đậu xanh, đậu đỏ, sữa gày, sữa chua…
Với các loại quả chín, nhiều bệnh nhân sợ không dám ăn, điều này không đúng. Theo phó giáo sư Lâm, chúng đều có chỉ số đường huyết thấp hơn cơm. Vì thế, bệnh nhân có thể bớt vài thìa cơm để ăn thêm miếng dưa hấu hoặc ăn thêm nửa quả táo. Những loại quả ít ngọt chỉ số đường huyết thấp như: ổi, lê, đào… Bệnh nhân hoàn toàn có thể ăn tất loại quả chín chỉ có điều không ăn nhiều.

Dưới đây là một số lời khuyên của phó giáo sư Lâm trong việc chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh nhân tiểu đường:

- Lượng thức ăn nên rải đều trong ngày, tránh ăn một lúc quá nhiều làm tăng đường huyết sau ăn. Một ngày có thể ăn 3 bữa chính, kèm theo 1-3 bữa phụ tùy theo điều kiện của bệnh nhân. Chú ý giữ giờ ăn theo lịch, không bỏ bữa, ngay cả khi mệt mỏi không muốn ăn.

- Tránh ăn hoặc uống các thực phẩm nhiều đường. Đường hấp thu nhanh như đường kính, đường mật ong, các loại mứt, quả chín khô, kẹo chocolate, nước ngọt.

- Ăn hạn chế các thực phẩm có nguồn gốc động vật, nhiều mỡ, nhất là phủ tạng động vật.

- Nên ăn thực phẩm có các chất béo tốt cho sức khỏe như: đậu phụ, vừng, hạt lạc, cá... Ăn dầu thực vật thay cho mỡ động vật, tốt nhất là ăn món trộn hoặc nếu xào thì cho dầu vào giai đoạn cuối để giữ được dầu sống. Hạn chế các món xào quá nhiều dầu mỡ hoặc món rán.

- Tránh ăn hoặc giảm lượng muối, gia vị đến mức thấp nhất vì người bệnh đái tháo đường thường kèm theo tăng huyết áp.

- Hạn chế thức uống có cồn, rượu bia.

Một số thực đơn cho người bệnh:

- Bữa sáng có thể ăn bát bún mọc như người bình thường, nhưng lấy thêm nhiều rau dọc mùng, giá đỗ, lấy thêm một đĩa rau sống. Ăn nhiều rau như vậy thì chỉ số đường huyết không tăng hoặc tăng ít sau bữa ăn.

- Bữa trưa có thể ăn 2 lưng bát cơm, cơm có cá, nộm mướp đắng, bát canh bí. Người bệnh ăn gần như bình thường, ăn nhiều rau hơn một chút.

- Bữa tối có thể ăn cơm, đậu phụ rán, su su xào thịt bò hoặc canh cua nấu khoai sọ. Có thể ăn một lưng bát cơm, bát sau thì ăn canh khoai sọ.

- Bữa phụ có thể chọn sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt dành cho người bệnh kèm theo một miếng đu đủ khoảng 150-200 g.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2014 All Right Reserved
Designed by