Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Stress dễ bị tiểu đường

Theo chuyên gia về bệnh lý do stress ở Trường Đại học Munich (Đức), một trong các thói quen bất lợi cho sức khỏe của 80% người có cuộc sống căng thẳng là ăn quá nhanh.



Đáng nói hơn nữa, trái với định kiến mệt quá khó nuốt cho trôi, họ thậm chí ăn nhiều lần trong ngày. Tổng lượng thực phẩm vì thế cao hơn ở những người thong dong. Hơn nữa, họ rất thích ăn vặt với món ngọt vì đường vừa cung cấp ngay năng lượng vừa trấn an hệ thần kinh cho dù tác dụng chỉ là chữa cháy.

Ăn quen, ăn hoài

Cũng chính vì tác dụng cung ứng năng lượng từa tựa như lửa rơm, bùng lên không được bao lâu phải châm tiếp nên người quen ăn ngọt phải ăn hoài, nhất là khi nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng do stress một khi đã vào nhà mấy khi chịu giậm chân một chỗ. Thói quen ăn ngọt do đó cũng từa tựa như ghiền cà phê, thuốc lá, nghĩa là sớm muộn cũng phải tăng “đô”.

Cảm giác mau đói, tâm trạng quạu quọ khi thiếu chất ngọt, tất cả hòa quyện vào nhau thành một loại stress nặng ký hơn căng thẳng vì công việc. Hậu quả là cơ thể phản ứng sai lệch dưới hình thức phóng thích liên tục nội tiết tố corticosteroid từ tuyến thượng thận. Phản ứng trên cơ bản là đúng nhưng éo le là tuyến thượng thận bao giờ cũng xài sang nên không cung cấp corticosteroid ở lượng đủ dùng mà lần nào cũng thế, cao hơn nhu cầu trên thực tế của gia chủ. Do đó, người càng nhiều tham sân si càng mau thừa corticosteroid. Lâu ngày, gia chủ chẳng khác nào bị ngộ độc thuốc dù không dùng thuốc chỉ vì ngày đêm “nuôi ong tay áo” mà không biết!Nếu lệ thuộc thuốc nguy hại thế nào thì dính vào chất đường cũng không khá gì hơn. Nếu với người không bị stress, thiếu chút đường trong máu không đến độ trầm trọng trong khi chờ đợi gia chủ điều chỉnh thì ngược lại, với nạn nhân của stress lại là chuyện nghiêm trọng chẳng khác nào thiếu… thuốc! Vì quen với lượng đường phải cao trong máu nên “stress nhân” rất dễ đói bụng, thậm chí “xấu nết” nếu không kịp ăn!

Có vay, có trả

Chuyện không chỉ có thế. Vì chất đường trong máu nhiều lần đột biến cả ngày lẫn đêm nên nạn nhân sớm muộn cũng lãnh 2 đòn đánh nguội. Trước hết, tụy tạng, cơ quan có trách nhiệm điều chỉnh lượng đường trong máu, dễ kiệt sức. Bệnh đái tháo đường chỉ chờ có thế. Kế đến, hễ trục trặc với chất đường thì rối loạn biến dưỡng chất béo len lén vào nhà hồi nào không hay. Hậu quả là nạn nhân bị tăng mỡ máu cho dù có cữ béo đến phát thèm.

Tình trạng này càng rõ nét nếu gia chủ chọn thái độ bình chân như vại trước bàn viết, trước máy vi tính, lại thêm ngủ ít. Khi đó, đường huyết sáng nào cũng cao hơn bình thường cho dù nạn nhân suốt đêm không ăn! Khi đó, mỡ tự động ký gửi dưới thành bụng khiến vòng số 2 nổi bật, trong khi vòng số 1 và số 3 của nạn nhân thường xẹp lép do bắp thịt nhão nhoẹt vì không còn đủ năng lượng cho chức năng vận động.

Phòng cháy hơn chữa cháy

Chất đường trong thực phẩm không được thoái biến đúng mức để cung cấp năng lượng cho cơ thể, đặc biệt là vận động bắp thịt và dẫn truyền thần kinh, nếu thiếu sinh tố B1. Càng stress càng mau thiếu B1. Hậu quả là cho dù ăn ngọt nhưng vẫn thiếu năng lượng. Cơ quan rất nhạy cảm với tình trạng thiếu năng lượng chính là não bộ. Do đó, bị stress khiến dư đường trong máu nhưng thiếu B1 là lý do khiến đầu óc lơ tơ mơ. Không lạ gì nếu người ăn ngọt quá thường mau đãng trí vì sinh tố B1 chẳng khác nào chiếc nến điện trong động cơ. Chỉ cần bu-gi không nẹt lửa thì máy có hàng hiệu thế nào cũng đành nằm không!

Ai cũng cần năng lượng. Hay dở chỉ ở chỗ tiếp tế cho đúng lúc. Khéo hơn nữa là cung ứng cho sớm, trước khi lâm trận và sau đó bổ sung để chuẩn bị cho trận kế tiếp. Ăn ngọt ngay lúc căng thẳng chẳng khác nào châm dầu vào lửa. Vừa cháy sạch lại thêm phỏng nặng là chuyện bình thường.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2014 All Right Reserved
Designed by